Tư vấn mua nhà theo nghị định 61; đất được tặng bằng giấy tay có hợp lệ?

 

55e8524875442_1441288776

Hỏi: Tôi là Nguyễn Văn Quyền, trú tại 6 Vọng Hà Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị mua nhà theo Nghị định 61 đều thất bại.
Đầu tháng 5/2013, chúng tôi rất mừng khi nghe thông tin Bộ Xây dựng chỉ đạo thành phố bán nhà cho dân theo NĐ61CP mà không phải đợi ý kiến của cơ quan tự quản. Trách nhiệm xác minh và ra quyết định tiếp nhận được thành phố giao cho Sở Xây dựng và địa phương. Giờ không hiểu các cơ quan trên xác minh xong chưa, còn hạn định 5/6 đang tới. Nếu thành phố không có ngoại lệ cho chúng tôi thì nhiều khả năng các hộ dân sẽ phải mua nhà theo NĐ34CP. Các hộ dân cư trú cùng dãy nhà 5 Khu tập thể Bộ GTVT Hàm Tử Quan, Hà Nội đang rất hoang mang và Kính nhờ Quý Báo tìm hiểu giúp vì sao chúng tôi không được mua nhà theo Nghị định 61, vì thời gian của Nghị định đã hết rồi (17h ngày 5/6/2013).

Xin gửi Quý Báo nội dung những thắc mắc của chúng tôi đối với Thanh phố Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội nhưng không được Hồi âm: “Tôi là cán bộ đang công tác tại Bộ GTVT thường trú tại số 6 phố Vọng Hà Phường Chương Dương Hoàn Kiếm Hà Nội. Năm 1990 tôi được cơ quan phân cho căn hộ cấp 4, tường xây, mái ngói để ở. Căn hộ này trước đây thuộc dãy nhà 5 khu tập thể Bộ GTVT. Do bị bom Mỹ phá hủy nên Văn Phòng Bộ đã cải tạo thành nhà 1 tầng, cấp 4 và phân cho cán bộ, nhân viên trong Bộ. Quá trình sử dụng, các hộ dân ở đây đã xin phép và xây dựng sửa chữa thành các căn hộ độc lập nhiều tầng để ở. Thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ, các hộ ở đây đã nhiều lần đề nghị được mua nhà theo Nghị định nhưng đều bị xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm trả lời từ chối với lý do nhà chưa được bán. Hiện nay (ngày 5 tháng 6 năm 2013) thời hạn bán nhà theo Nghị định đã hết, chúng tôi hết sức hoang mang vì sao 15 năm thực hiện nghị định, nhiều lần có đơn đề nghị mà các hộ dân chúng tôi vẫn chưa được mua nhà. Đến thời hạn cuối cùng, cơ quan có chức năng bán nhà vẫn trả lời mập mờ là nhà chưa được bán. Đề nghị Thanh phố, Sở Xây dựng cho kiểm tra, xem xét vì lý do gì mà quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các hộ dân chúng tôi bị xâm phạm, cản trở. Các hộ dân chúng tôi có còn được mua lại nhà theo như Nghị định 61 nữa hay không. Xin trân trọng cảm ơn”.

Trả lời

Chào bác!

Trường hợp của bác chúng tôi đưa ra tư vấn như sau. Theo như chúng tôi được biết, chỉ có 5 trường hợp nhà thuộc sở hữu Nhà nước không được bán theo Nghị định 61/CP. Ðó là: Nhà trong vùng quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất; nhà nằm trong khu vực phố cổ (có danh sách cụ thể từng trường hợp tại Quyết định 1170/QÐ-UB); nhà biệt thự không được bán (cũng có danh sách cụ thể do UBND TP quy định); nhà đang có khiếu kiện, tranh chấp, nhưng chưa có quyết định cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nhà thuộc khu vực cơ quan tự quản, nhưng chưa có đường đi riêng biệt. Theo đó, bác cần đối chiếu với các quy định trên xem nhà của bác có thuộc vào các trường hợp không được bán không.

Thêm vào đó, tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 34/2013/NÐ-CP đã có hiệu lực thi hành. Nghị định 34 có quy định “Tiếp tục thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo chính sách của Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở đối với các trường hợp đã nộp đơn đề nghị mua nhà ở cũ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhà ở đó có đủ điều kiện được bán theo quy định của Nghị định này”. Như vậy trường hợp của bác chưa đủ điều kiện để được mua nhà theo như quy định vừa trích dẫn trên. Việc bác có được mua nhàn theo Nghị định 61 hay không, cần chờ thông tư hướng dẫn của Bộ xây dựng để có hướng giải quyết cụ thể.

Nếu có thêm thắc mắc cần được tư vấn, mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.

Hỏi: Gia đình tôi đi kinh tế mới từ Bắc vào Nam theo chủ trương của Nhà nước và được giao 4.000m2 đất (năm 2001) để sản xuất nông nghiệp, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2005, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã bán 4.000m2 đất trên cho ông B.

Khi đó, hai bên chỉ viết giấy tay thỏa thuận trao đất và tiền, không làm các thủ tục khác theo quy định. Hiện nay Nhà nước thu hồi một phần đất để xây dựng kênh tưới và đã hỗ trợ ông B một khoản tiền. Theo UBND xã xác nhận thì ông B sử dụng đất không đủ điều kiện bồi thường nên chỉ được hỗ trợ.

Xin hỏi, nếu tôi viết đơn khiếu nại quyết định hỗ trợ của UBND huyện và yêu cầu bồi thường về đất cho tôi thì có hợp pháp không? Cảm ơn.

Trả lời

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã được Nhà nước giao đất với diện tích 4.000m2 vào năm 2001. Như vậy, cần làm rõ xem việc giao đất này có thể hiện bằng quyết định giao đất hay không?

Trường hợp có quyết định giao đất thì cho dù đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay từ bạn, ông B vẫn đủ điều kiện để được nhận tiền bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp không có quyết định giao đất thì cần phải làm rõ xem phần diện tích đất bị thu hồi có thuộc trường hợp đủ điều kiện để Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất hay không?

Cụ thể, do không có bất cứ một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai, thời điểm sử dụng đất đối với thửa đất trên là vào năm 2001 (được xem là sử dụng từ 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004) nên ông B chỉ được bồi thường đối với phần diện tích đất bị thu hồi nếu thỏa mãn đầy đủ các điều điều kiện sau:

1. Tại thời điểm thu hồi đất, phần diện tích đất bị thu hồi được UBND cấp xã xác định là đất không tranh chấp;

2. Phần diện tích đất bị thu hồi không thuộc một trong các trường hợp vi phạm sau:

– Vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai;

– Vi phạm quy hoạch chi tiết mặt bằng xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai đối với diện tích đất đã giao cho tổ chức, cộng đồng dân cư quản lý;

– Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc;

– Lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng;

– Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm.

Cần lưu ý, ông A cũng sẽ không được bồi thường đối với phần diện tích đất bị thu hồi nếu sử dụng đất không đúng mục đích; sử dụng đất không có hiệu quả; cố ý hủy hoại đất; đất được giao không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền (trong trường hợp bạn có quyết định giao đất); cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn; đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn tháng liền.

Mức bồi thường, hỗ trợ và trình tự thủ tục cụ thể như thế nào bạn có thể liên hệ UBND cấp huyện nơi có đất để được giải đáp và hướng dẫn.

Hỏi: Năm 1992, tôi và vợ tôi được ba mẹ vợ cho một miếng đất diện tích 100m2. Vợ chồng tôi cất nhà để ở. Đất này có chủ quyền hợp pháp, đứng tên là ba mẹ vợ của tôi…
Nhưng khi làm giấy cho tôi thì chỉ viết bằng tay, không có đánh máy nhưng có xác nhận của UBND xã. Mới đây, sau khi ba mẹ vợ tôi qua đời, các anh chị của vợ tôi đòi chia miếng đất này. Như vậy có đúng không?

Trả lời:

Trường hợp ba mẹ vợ của bạn đứng tên trên chủ quyền hợp pháp thì ba mẹ vợ của bạn có quyền tặng, cho bất cứ ai và việc tặng, cho này không bị buộc phải thông qua bất cứ người con nào.

Vợ chồng bạn đã được tặng, cho phần diện tích 100m2 và việc tặng cho này là hợp pháp, cho dù giấy chỉ được viết bằng tay chứ không đánh máy nhưng quan trọng là giấy này đã được UBND xã xác nhận với nội dung rõ ràng. Bạn có thể nói rằng vợ chồng bạn là chủ sử dụng hợp pháp của miếng đất này. Quyền và lợi ích hợp pháp của bạn sẽ được pháp luật bảo vệ.

Việc các anh, chị vợ của bạn yêu cầu đòi được chia miếng đất trên là không có cơ sở. Trường hợp vụ việc được đưa ra toà giải quyết thì vợ chồng bạn cũng sẽ không bị buộc phải chia của mình cho bất cứ ai.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *