Tư vấn việc về bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có giá trị hay không; khi làm mái vòm che nắng có phải xin hàng xóm không?

 

55e860b3e86e9_1441292467Hỏi: Tôi dự định mua lô đất diện tích 72m2, tại quận Bình Chánh. Chủ của miếng đất này chỉ có bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì bản chính đã mất. Vậy tôi xin hỏi, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này có giá trị hay không?
Để xác minh tính chân thực của giấy chứng nhận trên thì tôi có thể liên hệ với cơ quan nào để được trợ giúp? Xin chân thành cảm ơn luật sư!

Trả lời

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/5/2007 thì bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thì cần có bản chính để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi nhận biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất đó.

Trường hợp Giấy chứng nhận đã mất thì người chủ có thể mang bản sao đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận. Sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bạn được.

Bạn có thể mang bản sao Giấy chứng nhận trên đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh hoặc Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường và Đăng ký thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu thông tin về thửa đất mà bạn dự định nhận chuyển nhượng.

Hỏi: Tôi và chồng có 2 tài sản chung là nhà đất ở quận Đống Đa và Thanh Xuân, do muốn làm ăn riêng nên chúng tôi muốn chia tài sản chung? Chúng tôi có phải làm thủ tục ly hôn không?

Trả lời

Tại Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung… Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”.

Theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được lập thành văn bản và ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng, đồng thời ghi rõ các nội dung sau: lý do chia tài sản; phần tài sản chia (bất động sản, động sản, các quyền tài sản, trong đó cần mô tả những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia; phần tài sản còn lại không chia, nếu có); thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung; các nội dung khác, nếu có. Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng có thể có người làm chứng hoặc được công chứng.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì vợ chồng bạn không phải tiến hành thủ tục ly hôn mà vẫn chia được tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Để tiến hành thủ tục nêu trên bạn liên hệ trực tiếp đến Phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội để tiến hành thủ tục công chứng biên bản thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Khi tới phòng công chứng bạn và chồng bạn mang theo nhưng tài liệu sau: CMND; hộ khẩu của vợ chồng; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; 02 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.

Hỏi: Nhà tôi thuộc diện nhà Nhà nước cấp (đã hóa giá). Nhà có 2 hộ, nhà tôi là hộ trên lầu (có đường đi riêng), có sân thượng nền là bêtông cốt thép, xung quanh là lan can bằng tường (cao 8 tấc).
Vì trời nắng nóng nên tôi xin UBND phường 19, Q.Bình Thạnh làm mái vòm trên sân thượng che nắng. Nhưng UBND phường nói là không được phép vì đã vi phạm vào trường hợp cơi nới, nếu muốn làm thì phải được sự đồng ý của hộ dưới. Nhưng hộ dưới không đồng ý.

Như vậy, tôi phải làm như thế nào để có thể làm mái vòm hoặc có thể làm giàn trồng hoa (dây leo) được không? Làm giàn có vi phạm việc cơi nới không?

Trả lời

– Về việc xin phép xây dựng làm mái che trên sân thượng

Theo thư trình bày, căn nhà của ông/bà thuộc lầu 1, tầng trệt thuộc sở hữu của người khác, mái nhà là mái bêtông cốt thép, phía trên là sân thượng có lan can cao 0,8m.

Căn cứ điểm g khoản 1 điều 4 Quyết định 68/2008/NĐ-CP ngày 14/9/2010 của UBND Tp.HCM, đối với việc sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong căn nhà mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình; hay việc nâng nền, nâng gác, nâng mái phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng; hay việc xây dựng lại tường bao che bị hư hỏng theo nguyên trạng, gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt không làm thay đổi quy mô diện tích, không làm ảnh hưởng đến kết cấu thì không phải xin phép xây dựng.

Do đó, việc làm mái che trên sân thượng không thuộc trường hợp không có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.

Vì vậy, trước khi khởi công làm mái che trên sân thượng, ông/bà phải xin giấy phép xây dựng tại UBND quận Bình Thạnh, nơi đây sẽ xem xét giải quyết việc cấp phép cho ông/bà hay không theo quy định của pháp luật.

Theo thư trình bày, trước đây ông/bà xin phường để làm mái vòm trên sân thượng là không đúng thẩm quyền, vì việc xem xét có cấp phép xây dựng cho ông/bà hay không là thuộc thẩm quyền của UBND quận Bình Thạnh (căn cứ Điều 17 Quyết định 68/2008/NĐ-CP ngày 14/9/2010).

– Về việc hỏi ý kiến của người sở hữu ở tầng trệt khi xin phép xây dựng tại sân thượng

Để giải quyết vấn đề trên, ông/bà cần xác định phần diện tích thuộc sân thượng có thuộc sở hữu của ông/ bà hay không, bằng cách xem trên giấy chứng nhận chủ quyền, ông/ bà có được công nhận phần diện tích sân thượng hoặc khi mua hóa giá, ông/ bà có đóng tiền mua nhà cho phần diện tích này hay không.

Nếu phần diện tích thuộc sân thượng được công nhận là phần sở hữu riêng cho ông/bà, thì khi xin giấy phép xây dựng ông/bà không cần phải có ý kiến chấp nhận của chủ sở hữu tầng trệt, ngược lại, nếu diện tích sân thượng là sở hữu chung của hai căn hộ thì ông/ bà phải có ý kiến đồng ý của người chủ sở hữu tầng trệt (căn cứ điều 225 ).

– Về việc ông bà muốn làm giàn hoa dây leo trên sân thượng

Theo thư trình bày, mục đích của việc làm giàn hoa dây leo trên sân thượng là để làm giảm bớt sức nóng trực tiếp từ sân thượng xuống căn nhà.

Với trường hợp này, Quyết định 68/2008/NĐ-CP ngày 14/9/2010 của UBND Tp.HCM không quy định cụ thể về vấn đề này có thuộc trường hợp phải xin phép hay miễn xin giấy phép xây dựng.

Nhưng theo ý kiến riêng và kinh nghiệm của luật sư, chúng tôi nhận thấy rằng nếu ông/bà làm giàn dây leo bằng dây kẽm thì việc này không làm ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà, nên không thuộc trường hợp phải xin phép. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy ông/bà trồng cây loại dây leo để chống nắng là chưa thật sự hiệu quả, vì hiện nay trên thị trường có loại lưới che cho giàn hoa lan giảm được ánh nắng rất tốt, ông/ bà có thể sử dụng loại lưới này để làm giảm bớt ánh nắng cho ngôi nhà của mình. Đây chỉ là gợi ý của chúng tôi, ông/ bà có thể tham khảo thêm ý kiến của các nhà chuyên môn về xây dựng cho việc dùng loại vật liệu nào phù hợp nhất trong trường hợp của ông/bà.

Cùng Danh Mục:

Tư vấn lấy lại nhà đã trưng dụng; phải làm gì khi đất của mình bị cấp nhầm cho người khác?
Tư vấn về Bị kê biên khi nhờ người khác đứng tên mua nhà; cha mất không để lại di chúc, mẹ có thể mộ...
Tư vấn vì sao nhà trong lộ giới hẻm vẫn được sửa; trong hợp đồng tặng cho và mua bán, cái nào lợi hơ...
Tư vấn việc đất nằm trong hành lang đường điện có bị thu hồi sổ đỏ, thu hồi đất ven sông khai hoang ...
Tư vấn việc đất nông nghiệp của ông bà, cháu có được hưởng thừa kế, chuyển nhượng hợp đồng mua nhà t...
Tư vấn việc có được xây nhà ở dưới đường điện cao thế; người thuê đất khi chuyển nhượng sạp hàng có ...

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *