Tư vấn lấy lại nhà đã trưng dụng; phải làm gì khi đất của mình bị cấp nhầm cho người khác?

Hỏi: Trước giải phóng (1975), tôi có căn nhà vừa làm chỗ ở, vừa là cơ sở chứa đồ điện. Năm 1979, Nhà nước trưng dụng nhà của tôi để mở rộng cơ quan ngân hàng.
Nay, qua tìm hiểu tôi được biết nhà đó Nhà nước không còn sử dụng nữa mà cho người khác thuê làm cơ sở kinh doanh. Vậy tôi có thể yêu cầu Nhà nước trả lại nhà hay không?

trung dung dat 1

Trả lời

Trong thư, ông chưa nói rõ về tình trạng pháp lý của căn nhà nên chúng tôi chưa có đủ cơ sở trả lời cụ thể cho ông được. Theo Điều 7, Nghị định 127 ngày 10/10/2005 của Chính phủ (hướng dẫn thực hiện việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991), đối với nhà ở mà Nhà nước đã trưng dụng có thời hạn của hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Nghị quyết 755 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhà có thể liên hệ với UBND cấp tỉnh để được xem xét, giải quyết. Cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ gốc về nhà ở Nhà nước đã trưng dụng, thời hạn trưng dụng ghi trong giấy tờ trưng dụng và xác định chủ sở hữu không thuộc diện phải thực hiện các chính sách quy định (như cải tạo cho thuê, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh có liên quan trực tiếp đến …).

Tiếp đó, kiểm tra hiện trạng nhà ở Nhà nước đã trưng dụng có thời hạn. Nếu nhà đất đó không thuộc diện được giao lại theo quy định thì phải thông báo để đương sự biết rõ lý do. Nếu nhà ở đó thuộc diện được giao lại nhưng không thuộc một trong các trường hợp quy định, chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định giao lại nhà ở đó cho chủ sở hữu.

Trường hợp nhà ở thuộc diện được giao lại nhưng nhà ở đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 9 của Nghị quyết 755/2005 (nhà đã được xác lập sở hữu toàn dân, đã chuyển sở hữu cho người khác…) thì chỉ đạo cơ quan có chức năng lập phương án bồi thường theo quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để trình chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hỏi: Anh Tư tôi sống một mình, đã già yếu. Hai năm nay chị Hai tôi cho con trai lên ở nhà anh tôi trọ học. Mới đây chị ấy tuyên bố sẽ kêu con mình tiến hành sang tên căn nhà của anh tôi, vì anh không có con nên cháu được quyền hưởng.
Chị tôi có quyền làm vậy không?

Trả lời:

Trước hết, cần nhấn mạnh nếu còn minh mẫn thì anh bạn có toàn quyền định đoạt căn nhà của mình. Ông ấy có thể bán, tặng cho hoặc làm di chúc để lại căn nhà cho người nào mà ông ấy muốn. Còn về chuyện sang tên, theo quy định của luật Nhà ở, hồ sơ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở phải có đủ: đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; hộ khẩu thường trú của người mua; trích lục thửa đất; hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.

Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn. Do đó, nếu không có đủ các giấy tờ này thì người cháu không thể làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở của anh bạn.

Hỏi: Nhà ngoại tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất đang ở, sinh sống ổn định, có cột mốc ranh giới rõ ràng), hộ kế bên có một khu đất diện tích khoảng 300m2 nhưng chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện họ nghi quận đã cấp phần đất của họ vào giấy chứng nhận của ngoại tôi nên đã làm đơn thưa ở xã.

Xã đang giải quyết tranh chấp này và đề nghị đơn vị đo đạc đo vẽ lại hiện trạng đất của ngoại tôi để kiểm tra đúng hay sai so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngoại tôi hiện có.

Xin hỏi, như vậy có phải hộ kế bên làm đơn thưa và tranh chấp đất với ngoại tôi? Cán bộ xã đề nghị đo vẽ lại đất hiện trạng của ngoại tôi có đúng không? Trường hợp ngoại tôi không chấp nhận việc đo vẽ này có được không?

Trường hợp UBND quận có cấp nhầm phần đất của hộ này vào đất của ngoại tôi thì sao họ không khiếu nại chỗ UBND quận mà làm đơn thưa ngoại tôi? Nếu họ đã cấp nhầm thật thì hướng giải quyết thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào? Ngoại tôi đã lớn tuổi (86 tuổi) thì làm sao đi lại giải quyết rắc rối?

Mong được luật sư tư vấn. Cảm ơn.

Trả lời

Việc hộ liền kề tranh chấp ranh giới đất với ngoại của bạn có đúng hay không còn tùy thuộc vào việc ngoại bạn có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là “giấy chứng nhận”) theo đúng trình tự, thủ tục luật định hay không.

Ngoài ra, cũng phải xem xét đến việc hộ gia đình kế bên có hay không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật để chứng minh rằng có sự nhầm lẫn trong việc cấp giấy chứng nhận cho ngoại bạn.

Do UBND cấp xã chỉ có chức năng hòa giải về tranh chấp đất đai nên việc cán bộ xã đề nghị đo vẽ lại hiện trạng đất của ngoại bạn cũng là một trong các bước trong quá trình tiến hành hòa giải tranh chấp này.

Trường hợp tranh chấp không thể hòa giải được thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải quyết tranh chấp.

Trường hợp thanh tra đất đai xác định có sự nhầm lẫn về diện tích trong việc cấp giấy chứng nhận thì thanh tra đất đai có thể đề xuất thu hồi và điều chỉnh giấy chứng nhận đã cấp cho ngoại bạn theo đúng diện tích thực tế.

Ngoài ra, trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được về việc có sự sai lệch về diện tích đất thể hiện trên giấy chứng nhận của ngoại bạn thì ngoại bạn cũng có thể trực tiếp (hoặc ủy quyền cho người khác) đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nơi có đất để nộp đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ kèm theo giấy chứng nhận đã cấp, và một số giấy tờ khác có liên quan đến việc xin cấp đổi giấy chứng nhận.

Bạn có thể liên hệ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nơi có đất để được hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *