Tư vấn về việc đất không có di chúc phải chia thế nào; nếu xuất cảnh có được giữ quyền sử dụng đất?
Nếu không chuyển nhượng được nhà/đất trước khi xuất cảnh, tôi có giữ được quyền sở hữu nhà/đất? Có gì thay đổi sau thời gian tôi đã định cư ở nước ngoài? Tôi vẫn có thể chuyển nhượng nhà/đất vào thời gian thích hợp hay không?
Hỏi: Lúc còn sống, bố tôi và 2 bác được thừa kế từ ông bà nội một mảnh đất rộng 3.000m2. Năm 1992, bố tôi mất không để lại di chúc. Từ khi bố tôi mất cho đến nay, mảnh đất trên vẫn do 2 bác tôi quản lý và sử dụng.
Xin hỏi, tôi có quyền yêu cầu 2 bác giao cho tôi phần đất của bố tôi hay không?
Trả lời
Mảnh đất 3.000m2 là do bố bạn và 2 bác của bạn được thừa kế từ ông bà nội. Do đó, nếu di chúc của ông bà nội (nếu có), hoặc giữa bố bạn và 2 bác của bạn không có thỏa thuận khác, thì mỗi người có quyền sử dụng 1/3 mảnh đất này. Bố bạn mất năm 1992, không để lại di chúc nên tài sản của bố bạn để lại, trong đó có 1/3 mảnh đất trên sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn, bao gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Do đó, bạn và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn có quyền yêu cầu 2 bác của bạn hoàn trả lại phần quyền sử dụng đất của bố bạn. Trong trường hợp, các bên không tự thỏa thuận, thống nhất được cách thức giải quyết vụ việc, bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân, đề nghị tòa án buộc 2 bác của bạn phải hoàn trả phần quyền sử dụng đất của bố bạn cho bạn và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn theo đúng quy định của pháp luật.
Hỏi: Bố mẹ tôi sinh được 2 người con. Anh trai tôi đã lập gia đình và ra ở riêng. Còn tôi đang đi học đại học và sống chung với bố mẹ. Tháng 1/2011, bố tôi bị tai biến chết, không để lại di chúc…
Hiện nay, mẹ tôi muốn lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất của bố mẹ tôi cho tôi nhưng anh trai tôi không đồng ý. Tôi muốn hỏi, mẹ tôi có quyền lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất của bố mẹ tôi cho tôi hay không?
Trả lời
Nhà đất là tài sản chung của bố và mẹ bạn nên bố và mẹ bạn, mỗi người sẽ có quyền sở hữu và sử dụng 1/2 khối tài sản này. Vì bố bạn mất không để lại di chúc, nên 1/2 nhà đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của bố bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: “… vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Do đó, mẹ bạn không có quyền lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất là tài sản chung của bố mẹ bạn cho bạn. Mẹ bạn chỉ có quyền lập di chúc để lại thừa kế cho bạn đối với 1/2 quyền sở hữu và sử dụng nhà đất của mẹ bạn.
Hỏi: Trong khi chờ xuất cảnh, tôi muốn chuyển nhượng miếng đất thổ cư. Theo văn bản của phòng xây dựng – đô thị, miếng đất nằm trong quy hoạch xây trường học của khu dân cư nên người mua sẽ không xin được giấy phép xây dựng.
Nếu không chuyển nhượng được nhà/đất trước khi xuất cảnh, tôi có giữ được quyền sở hữu nhà/đất? Có gì thay đổi sau thời gian tôi đã định cư ở nước ngoài? Tôi vẫn có thể chuyển nhượng nhà/đất vào thời gian thích hợp hay không?
Khi chính quyền địa phương tiến hành xây dựng theo quy hoạch vào 5 – 7 năm sau, lúc đó nếu vẫn có thể giữ quốc tịch Việt Nam, hoặc đã có quốc tịch mới, tôi có được đền bù theo chính sách? Giấy tờ thủ tục gồm những gì?
Tôi có thể làm giấy ủy quyền cho người khác giải quyết việc đền bù sau này không?
Trả lời
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, công dân không bị chấm dứt quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở khi xuất cảnh hoặc khi thay đổi quốc tịch.
Theo đó, trường hợp ông/bà không chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trước khi xuất cảnh thì quyền tài sản của ông/bà không bị ảnh hưởng và có thể chuyển nhượng tại thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, ông/bà nên lập văn bản ủy quyền việc quản lý nhà đất cho người thân ở Việt Nam trước khi xuất cảnh để thuận tiện trong việc quản lý tài sản trong thời gian bà không có mặt tại Việt Nam. Giấy ủy quyền này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
Do quyền tài sản đối với nhà đất không bị ảnh hưởng, nên trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch xây trường học, ông/bà sẽ được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Leave a Reply