Mua bán nhà đất và kinh nghiệm mua bán nhà đất

Giao dịch mua bán nhà, đất: Cần lưu ý thủ tục pháp lý

Với người mua nhà, đồng nghĩa với chi tiêu khoản tiền tích góp nhiều năm trước, nên buộc phải chi li, xét đoán từ lúc xem nhà tới khi thanh toán.

55fa632c1c98b_1442472748

  • Chỉ có giấy viết tay

Đây là tình trạng phổ biến từ lâu nay trên thị trường mua bán nhà, thổ cư. Đặc biệt, ở các tỉnh thành có thị trường địa ốc phát triển mạnh như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, vô số tranh chấp sau mua bán nhà, đất diễn ra như cơm bữa, chỉ vì người mua thiếu cẩn trọng trong việc đảm bảo quy trình tiến hành giao dịch.

Trường hợp của chị Lan, một công chức ngành giáo dục làm việc ở Q.Long Biên (Hà Nội) cho thấy rõ hơn điều này. Chị Lan mua một mảnh đất 70m2 tại Gia Lâm vào tháng 10/2011, nhưng đến nay vẫn chưa làm được sổ đỏ. Trong các lần thanh toán, bên mua đều có giấy biên nhận, có chữ ký của vợ chồng chủ sở hữu đất.

Năm 2013, vợ chồng người bán đất mất. Việc làm sổ đỏ của chị Lan càng khó khăn hơn khi ba người con của gia đình chủ đất đồng loạt kiện đòi lại đất. Vụ việc đã được đưa ra chính quyền địa phương và tòa án quận. Tuy nhiên, khả năng mất đất của chị Lan là rất cao, vì giấy mua bán viết tay, giấy biên nhận tiền viết tay, không có giá trị pháp lý (dù hợp thức).

Vì vậy, người mua cần ghi nhớ các điểm: hợp đồng đặt cọc quy định chặt chẽ; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần có mục bồi thường, phạt đầy đủ, số tiền bồi thường, phạt lớn. Câu chữ trong hợp đồng phải chắc chắn, quy trình cần nêu ra tỷ mỉ (nhiều khi chỉ nói chuyển nhượng đất mà không nói đến tài sản trên đất: nhà, sân, bếp, tường bao, cây cối,…).

Giấy biên nhận tiền phải ghi rõ là bên bán nhận tiền chuyển nhượng thửa đất số… tại xã/phường…huyện/quận. Người ký hợp đồng phải là người có tên trong sổ đỏ, nếu của hộ gia đình thì tất cả các con đều phải ký. Cần thoả thuận rõ ai phải chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ. Bên bán phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Thiếu hoặc làm sai một khâu, tranh chấp sẽ xảy ra ngay sau khi hoàn thành giao dịch.

  • Giấy biên nhận

Cũng liên quan tới việc xác nhận thanh toán tiền mua đất thông qua giấy biên nhận viết tay giữa hai bên; nhiều khách mua thường băn khoăn với vấn đề công chứng, làm chứng đã trả đủ tiền. Lý do, giấy biên nhận (không công chứng) liệu có là bằng chứng hợp pháp cho việc không còn nợ tài chính của bên mua với bên bán hay không.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, pháp luật không bắt buộc phải công chứng vào giấy biên nhận tiền, nhưng cũng không cấm (!) Vì vậy, để “chắc ăn”, người mua có thể yêu cầu công chứng viên chứng thực giao dịch dân sự. Trường hợp không muốn công chứng (do bên bán gây khó dễ), người mua nên nhờ một vài người khác chứng kiến, cùng ký vào giấy nhận tiền với tư cách làm chứng, xác nhận bên mua đã thanh toán hết tiền mua đất, bên bán đã nhận đủ tiền, bên bán đã tự tay ký vào giấy nhận tiền.

Lưu ý: người mua nên đề nghị chính chủ sở hữu BĐS tự tay ghi rõ vào giấy nhận tiền về chi tiết khoản tiền, thửa đất, vị trí… và “giữa hai bên không còn bất kỳ vướng mắc gì về tiền nong, tài sản liên quan đến việc chuyển nhượng thửa đất trên. Chúng tôi (bên bán) tự nguyện ký vào giấy nhận tiền này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị ai lừa dối, cưỡng ép hoặc đe doạ”.

Bên bán tự viết tay càng nhiều chữ càng tốt, để phòng trường hợp sau này bên bán lật lọng với lý do đây không phải là chữ ký của bên bán, giám định chữ viết thuận lợi hơn. Giấy biên nhận (có chữ “tươi” của bên bán) là bằng chứng hợp pháp tại toà án, chứng minh đã thanh toán đủ tiền nhận chuyển nhượng thửa đất.

  • Mua đất làng xã

Vì túi tiền hạn hẹp, lại bị áp lực về nơi ở, nhiều khách hàng trẻ thường nhắm tới các sản phẩm BĐS ở vùng ngoại thành ven đô với yếu tố giá rẻ như Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Thượng, Tây Tựu, Ngọc Hồi (Hà Nội). Các giao dịch đất làng xã thường xuất hiện những trường hợp tiêu biểu: chủ sở hữu bên bán thông báo với người mua là hồ sơ làm sổ đỏ đã để tại xã và sắp tới sẽ được lấy sổ đỏ (một vài tháng); người mua băn khoăn về việc hợp đồng mua bán đất ký giữa 2 bên có thể ra UBND xã, hay phải ra phòng công chứng; một người nữa muốn đứng tên chung sổ đỏ với người đứng tên bên mua (không có quan hệ vợ chồng), người đứng tên chung cần chuẩn bị giấy tờ gì…

Theo LS. Nguyễn Ngân (hiện làm việc tại một văn phòng nhà đất ở Q.Đống Đa), cơ sở pháp lý cho thấy UBND cấp xã không có thẩm quyền cấp sổ đỏ, nên những thông tin do xã cung cấp không có giá trị pháp lý. Việc cấp sổ đỏ là thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất và nhà, thuộc UBND cấp huyện. Vì vậy, người mua nên đến UBND cấp huyện để hỏi thông tin về thửa đất cũng như tình trạng pháp lý, thế chấp, thừa kế, thuộc quy hoạch ra sao…

Tiếp đến, UBND xã không có quyền chứng thực hợp đồng, mà chỉ có phòng công chứng mới có quyền công chứng hợp đồng mua bán như đã nêu. Cuối cùng, nếu một cá nhân khác muốn đứng tên chung sổ đỏ với người mua, cần cung cấp những giấy tờ: CMND, hộ khẩu. Đồng thời, người này phải cùng với người mua ký kết vào hợp đồng mua bán chuyển nhượng BĐS tại phòng công chứng.

Dưới đây là 4 “bí kíp” giúp bạn làm cho ngôi nhà trở nên ngăn nắp và dễ bán.

  • Dọn sạch đồ đạc. Bạn nên tống khứ hay ít nhất là cất đi tất cả những thứ không cần thiết để tạo không gian sinh hoạt thoáng mát. Thu tất cả sách báo, tạp chí cũ và giầy dép bỏ vào nhà kho. Căn nhà trông bắt mắt hơn khi không còn bừa bộn. Bạn cũng nên sắp đặt đồ nội thất cần thiết cho các căn phòng còn trống nếu có, như vậy khách hàng tiềm năng sẽ không đánh giá thấp món bất động sản của bạn.
  • Lau chùi cho bóng lộn. Rõ ràng, bạn không hề muốn trưng bày một căn nhà bụi bặm đeo bám mọi ngõ ngách. Hoặc cây lau sàn, bàn chảy cọ rửa và thảm lau giầy phô bày ngổn ngang. Để căn nhà sáng bóng, bạn hãy lau chùi từ các thiết bị nhà bếp, nhất là với những đồ dùng lâu ngày chỉ cần đánh bóng chút ít thôi đã đem lại vẻ tươi mới. Nếu một căn phòng nào đó cần một lớp áo tươi tắn, bạn cũng nên sơn cho nó. Cố gắng tránh sử dụng những gam màu quá sáng vì chúng có thể không hấp dẫn với người mua cho lắm.
  • Bày trí lại đồ gia dụng. Mỗi đồ gia dụng được đặt đúng vị trí có thể làm thay đổi về cách nhìn của căn phòng. Nên cố gắng đặt những chiếc ghế đôn cùng với ghế băng xung quanh một điểm nhấn chẳng hạn như bên lò sưởi.
  • Nên sử dụng dịch vụ trang trí nội thất chuyên nghiệp. Với một khoản đầu tư vừa phải, chuyên gia kiến trúc có thể đưa ra giải pháp phù hợp cũng như giúp bạn tìm kiếm các thiết bị và đồ nội thất thiết thực cho ngôi nhà, giúp thuyết phục khách hàng ngay từ lần xem nhà đầu tiên.

Hướng dẫn quy trình

  1. Tìm kiếm Bất Động Sản (Nhà/ Căn hộ/ Đất…) phù hợp:

Liệt kê một số yêu cầu sau để đảm bảo tìm được BĐS phù hợp

Tổng tiền cuối cùng có thể chi trả cho việc mua bán nhà đất (có sẵn và mượn thêm,…). Nếu Quý khách định vay ngân hàng thì tính luôn khả năng chi trả (nợ gốc và lãi) hàng tháng, chứng minh thu nhập để có thể vay được bao nhiêu. Nghiên cứu lãi suất ngân hàng, thu nhập, giấy tờ cần thiết…

Đặc điểm nhà đất theo yêu cầu: Phải chọn khu vực BĐS (Đông, Tây… Thành phố, khu vực nào ưu tiên 1, khu vực nào ưu tiên 2), tổng giá trị bất động sản có thể mua, diện tích tối thiểu bất động sản phải đạt, số phòng ngủ, hướng nhà cần thiết… cách thức thanh toán với chủ nhà.

Tìm kiếm thông tin bán nhà đất từ nhiều nguồn khác nhau:

  • Báo chí hàng ngày: Tuổi trẻ, Thanh niên…
  • Website uy tín và độ tin cậy cao về bất động sản: NhaDatSo.com
  • Các công ty môi giới, bạn bè: Có thể liên hệ môi giới

Kiểm tra tính pháp lý của nhà đất cần mua (quan trọng):

  • Sổ hồng, sổ đỏ, giấy tờ…
  • Tình trạng quy hoạch & lộ giới: Liên hệ Phòng quản lý đô thị của Quận/ Huyện để xin phiếu trả lời quy hoạch, những giấy tờ kèm theo gồm ( photo bản vẽ vị trí, photo sổ đỏ, sổ hồng). Khoảng 1 tuần sau sẽ có kết quả trả lời
  • Kiểm tra tình hình tranh chấp: nên hỏi phường/ xã

Kiểm tra chất lượng của nhà đất:

  • Khu vực an ninh, yên tĩnh không?
  • Cấp thoát nước, triều cường như thế nào?
  • Nền đất khu vực cứng hay mềm?
  • Độ cao tối đa cho phép xây dựng như thế nào?
  • Gần bệnh viện, trường học, chợ… hay không?
  • Cách tốt nhất là đi la cà khu vực định hình cần mua nhà đất, hỏi thăm, cà phê dân cư khu vực lân cận muốn mua để biết rõ về khu vực. Tuy nhiên, cần tránh những thông tin bị loãng, đặc biệt với những môi giới không uy tín trong khu vực đó. Cần có kinh nghiệm trong vấn đề này.
  1. Tiến hành mua bán nhà đất:

Bước 1: Đặt cọc

Người mua đặt cọc cho bên bán một số tiền ( tùy 2 bên thỏa thuận, thường 50 hoặc 100 triệu), 2 bên sẽ làm một hợp đồng đặt cọc ký tay. Nếu Quý khách hàng không tin tưởng nên thuyết phục chủ nhà ra phường để làm chứng. Còn không thì nhờ dịch vụ BĐS làm giúp. Còn tin tưởng rồi thì chỉ cần chữ ký 2 bên là được.

Luật dân sự công nhận những hợp đồng tay này như là bằng chứng nếu có chữ ký của người thứ 3 (người làm chứng). Sau khi đặt cọc xong 2 bên sẽ hẹn ngày giao dịch cụ thể.

Bước 2: Công chứng Hợp đồng mua bán

Theo lịch đã giao hẹn trước, 2 bên mang đầy đủ các thủ tục cần thiết đến Phòng Công Chứng để lập hợp đồng mua bán nhà. Hợp đồng có thể tự soạn thảo hay nhờ cơ quan công chứng soạn thảo giúp. Sau khi hoàn tất Hợp đồng công chứng, bên mua có thể giao tiền cho bên bán (khoảng 90-95% giá trị nhà đất). Hiện tại nên giao dịch thông qua ngân hàng để đảm bảo độ an toàn cho đôi bên.

Bước 3: Nộp thuế

Nộp toàn bộ hồ sơ mua bán nhà (bản sao) và hợp đồng mua bán nhà đã công chứng tại phòng thuế trước bạ và thu khác (đối với các quận nội thành) hoặc chi cục thuế (đối với các huyện).

  • Bên bán: Sẽ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất.
  • Bên mua: Nộp lệ phí trước bạ.

Bước 4: Đăng bộ ra Sổ mới

Người mua đến phòng Đăng bộ sở địa chính nhà đất nộp toàn bộ hồ sơ nhà, hợp đồng mua bán, biên lai trước bạ. Sở địa chính nhà đất sẽ đăng ký sự thay đổi chủ sở hữu căn nhà để người mua nhà đứng tên chủ quyền nhà.

Lúc này đây, bên mua có thể thanh toán 5-10% giá trị nhà đất còn lại cho bên bán.

Đến đây, toàn bộ thủ tục đã hoàn tất. Việc duy nhất cần làm còn lại là dọn dẹp, sơn phết lại nhà cửa để chuẩn bị dọn vào ở tổ ấm mới. Khoảng 45 ngày sau sẽ có sổ hồng mới (có thể hơn) (…).

Điều quan trọng nhất khi đi mua nhà đất hoặc bất động sản chính là giá trị pháp lý của bất động sản đó có minh bạch hay không. Chính là sổ hồng hoặc sổ đỏ của bất động sản cần mua. Chỉ cần một bất động sản có sổ hồng hoặc sổ đỏ rồi thì người mua sẽ đơn giản hơn rất nhiều và nên chấp nhận giá cao hơn nhưng độ an toàn cao hơn rất nhiều so với những bất động sản chỉ có giấy tay.

Lưu ý: Thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo, hy vọng thông tin trên sẽ giúp một các bạn lần đầu mua bán nhà đất có thể hình dung được những công việc cần làm khi giao dịch bất động sản.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *